Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên được chú trọng và thực hiện càng sớm càng tốt. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bản thân các em học sinh phải biết mình thích điều gì, có điểm mạnh gì và điểm yếu như thế nào để có thể chọn được một nghề nghiệp hay công việc thật phù hợp trong tương lai. Tuy nhiên hiện nay với nhiều bạn trẻ thì thời điểm định hướng tốt nhất là trong giai đoạn bước vào cấp 3. Đây là giai đoạn cuối cùng của chương trình học phổ thông trên toàn quốc. Đến thời điểm này các em học sinh sẽ có những nhìn nhận và đánh giá riêng cho bản thân mình về sở thích cũng như năng lực mình có.
Chính vì thế nhà trường, thầy cô, bạn bè hay chính ngay gia đình là những người bên ngoài có cái nhìn về tính cách và con người bạn cũng có thể cho các em học sinh được những tư vấn và lời khuyên tốt nhất. Tuy nhiên trước đó các em học sinh cũng nên tìm hiểu kỹ về thông tin của từng ngành nghề thông qua tivi, sách báo hay chính những người thân quen trong cuộc sống hằng ngày của mình. Bên cạnh đó nhà trường thường xuyên có những buổi học ngoại khóa về hướng nghiệp để các em học sinh có một cái nhìn thực tế nhất.
Thầy Hồ Kỳ Tuấn - Phó Hiệu trưởng đang tư vấn hướng nghiệp.
Đa số học sinh lớp 12 thiếu sự hiểu biết đầy đủ về nghề nghiệp cũng như về đặc điểm bản thân, từ đó dẫn đến việc các em có suy nghĩ sai lệch trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai. Để thành công trong cuộc sống, các em học sinh phải biết lựa chọn nghề nghiệp cho mình phù hợp giữa nguyện vọng, khả năng của bản thân với nhu cầu của xã hội. Để chọn được cho mình một nghề phù hợp, các em cần chú ý một vài yếu tố sau trước khi ra quyết định:
1. Tìm hiểu thế giới này có bao nhiêu ngành nghề: Tìm hiểu từng ngành nghề một, Tư duy nghề nghiệp có hợp với cá nhân, sở thích, nhu cầu tuyển dụng, công việc cụ thể ra sao ....
2. Xác định sở thích bản thân: Các em phải biết xác định rõ mình hứng thú với nghề gì? Đam mê với nghiệp gì? Có còn "cả thèm chóng chán" hay không? Hiện nay, rất nhiều bạn sinh viên học tới năm thứ 3 rồi vẫn nhảy trường và đến khi tốt nghiệp thì nhảy việc...
3. Xác định được điều kiện kinh tế gia đình, đây cũngc hính là lý do khiến các em học sinh, sinh viên yên tâm về ngành - nghề mình lựa chọn để từ đó có phương hướng phát triển sự nghiệp cho tương lai.
Muốn đạt được các yếu tố trên, các em cần phải biết tích cực học hỏi, tìm kiếm thông tin, tham gia các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến nghề nghiệp, tham khảo những lời khuyên bổ ích từ gia đình, nhà trường, để từ đó có thể chủ động đưa ra quyết định hợp lý. Các em phải luôn năng động, luôn mở rộng tầm mắt, đừng để tự đóng khung mình vào một quyết định nghề nghiệp vội vàng nào đó để rồi cả đời phải gắn mình vào một công việc mà mình không hề yêu thích và hứng thú.
(Thực hiện: Minh Long)